01. Đại hội Đảng các cấp tiến Đại
hội địa biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Trong
bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng đó thiên
tai, bão, lũ diễn biến phức tạp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng,
đột xuất khác, song đại hội đảng bộ các cấp vẫn được tiến hành cơ bản đúng tiến
độ Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Các đảng bộ trực thuộc Trung ương (T.Ư) đã
bầu 3.330 người vào Ban chấp hành khóa mới, trong đó 1.084 nhân sự tham gia lần
đầu.
Theo
đánh giá của Ban Tổ chức T.Ư, so với nhiệm kỳ trước, cơ cấu, chất lượng cấp ủy
nhiệm kỳ mới được nâng lên rõ rệt. Trong đó, cấp ủy nữ là 523 người, đạt tỷ lệ
15,71%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%. Đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, thành ủy đã có
sự chuyển giao thế hệ, với sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ
7X. Cụ thể, trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy được bầu, có 27 bí thư từ 50 tuổi
trở xuống (chiếm 43,08%); 27 bí thư cấp ủy không là người địa phương (chiếm
41,54%). Kết quả bầu cử cũng ghi nhận nhiệm kỳ đầu tiên có số nữ bí thư Tỉnh ủy
nhiều nhất từ trước đến nay, 9 người, tăng 6 người so với nhiệm kỳ trước. 67
đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương cũng đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức
và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Cũng
trong năm qua, Ban Chấp hành (BCH) T.Ư đã tổ chức ba hội nghị quan trọng là T.Ư
12, 13 và 14 để hoàn thiện các dự thảo văn kiện và công tác nhân sự cho Đại hội
XIII của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ 12 (tháng 5/2020), BCH T.Ư thống nhất, khóa
XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc
biệt nào cần phải cơ cấu vào BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi
theo quy định, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, trình BCH T.Ư xem xét, quyết định việc
đề cử với Đại hội Đảng. Tới hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 10), T.Ư đã
bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự T.Ư khóa XII tái cử và nhân sự mới lần đầu
được dự kiến giới thiệu tham gia BCH T.Ư khóa XIII. Bên cạnh đó, T.Ư cũng đã
hoàn thiện các dự thảo văn kiện để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Tại
Hội nghị T.Ư lần thứ 14 mới đây (tháng 12), BCH T.Ư đã bỏ phiếu biểu quyết với
sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao
gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham
gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. BCH T.Ư giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự
tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự để xem xét, quyết
định tại Hội nghị T.Ư 15 sắp tới.
02. Việt Nam khống chế hiệu quả đại
dịch Covid-19
Hơn
81 triệu người mắc, gần 2 triệu người tử vong vì COVID-19 trong 1 năm qua, khi
đại dịch này xuất hiện và bùng phát trên toàn thế giới. Việt Nam phát hiện ca
bệnh COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Gần 300 ngày qua, chúng ta đã duy
trì được số mắc ở mức gần như thấp nhất thế giới với hơn 1.500 ca bệnh, phần
lớn nhập cảnh từ nước ngoài và được cách ly ngay. Trong cuộc chiến ấy, Việt Nam
đã làm nên kỳ tích, khi là quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được trạng
thái “bình thường” trong bối cảnh cả thế giới đang phải căng mình đối phó với
dịch bệnh. Nhiều chuyến bay “giải cứu” từ Việt Nam đi vào vùng tâm dịch của thế
giới với nhiệm vụ đón sinh viên, người lao động nước ngoài trở về quê hương
theo đúng tinh thần mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh “không để một ai bị bỏ lại
ở phía sau” trong đại dịch COVID-19.

Cùng với việc cơ bản kiểm soát được
tình hình dịch bệnh, Việt Nam có tín hiệu đáng mừng khi vắc-xin đầu tiên trong
nước đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người. Nano Covax là vắc-xin do Công
ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu và sản xuất từ tháng 5/2020. Ưu
điểm lớn nhất của Nano Covax là đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác
dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vắc-xin khác.
Dự kiến tháng 5/2021, vắc-xin này được tung ra thị trường. Mỗi người dân cần
tiêm 2 liều. Giá thành dự kiến 120.000 đồng/liều.
03.
Một năm đối ngoại thành công
Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong
một năm rất đặc biệt, với đại dịch COVID-19 gây tác động bao trùm lên các lĩnh
vực, trên phạm vi cả trong và ngoài nước. Năm 2020 cũng nổi lên nhiều thách
thức phức tạp khác như cạnh tranh nước lớn quyết liệt, chủ nghĩa đa phương gặp
nhiều khó khăn, luật pháp quốc tế không được tôn trọng ở nhiều nơi…
Bối cảnh thế giới, khu vực và tình
hình nội khối đặt ra cho Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, nhiều
nhiệm vụ nặng nề.
Với
tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, năm 2020, ASEAN đã chung tay vượt
qua nhiều khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng. ASEAN đã chuyển đổi
nhanh chóng phương thức hoạt động, thể hiện qua việc tổ chức trên 550 cuộc họp
trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao, 70 cuộc họp cấp bộ trưởng. ASEAN
đã thông qua 28 sáng kiến do Việt Nam đề xuất, cho thấy những sáng kiến của
Việt Nam đáp ứng được sự quan tâm chung của ASEAN.

Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển giao búa Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại
Việt Nam
Trải
qua quá trình đàm phán khó khăn, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)
được 15 nước ký kết trước khi Việt Nam bàn giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho
Brunei
Trong
năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với một tâm thế lớn lao và vững vàng do đã nhận được
số phiếu bầu lớn nhất trong lịch sử của HĐBA (192/193). Điều này cho thấy các
nước đặt lòng tin vào Việt Nam với vai trò đại diện, đóng góp tiếng nói của các
nước đang phát triển, các nước vừa và nhỏ trong HĐBA.
Đặc
biệt, năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam đã dự thảo Nghị quyết thành lập Ngày quốc
tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm và được thông qua, ghi nhận
dấu ấn vươn tầm của ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.
04. Việt Nam, điểm sáng thế giới về
tăng trưởng
Đại
dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại
trong điều kiện bình thường mới đã giúp GDP năm 2020 của Việt Nam đạt mức tăng
trưởng 2,91%, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong số các nước có mức
tăng trưởng cao nhất thế giới.
Việc
các doanh nghiệp trong nước tận dụng khá tốt thời cơ, ưu đãi từ việc thực hiện
các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định EVFTA đi vào thực
thi đã tạo ra sức bật cho nhiều ngành hàng xuất khẩu có tăng trưởng mạnh trong
các tháng cuối năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt
Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Đây cũng là năm Việt
Nam ghi nhận cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, mức cao
nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu tính từ năm 2016. Đây là kết quả ấn tượng
trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực
của dịch COVID-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

Đóng
góp lớn trong thành công của xuất khẩu năm qua phải kể đến việc lần đầu tiên
xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 41 tỷ USD. Trong năm qua, nhiều thị trường
xuất khẩu đã được khai mở cho các loại nông sản vào Nhật Bản, Đài Loan (Trung
Quốc), New Zealand, Brazil…Cùng với tăng trưởng dương ngoạn mục, Việt Nam trở
thành điểm đến du lịch an toàn và đầu tư của thế giới khi nhiều tập đoàn đa
quốc gia tuyên bố sẽ chuyển dịch các chuỗi sản xuất sang Việt Nam trong thời
gian tới.
05. Chống tham nhũng luôn nóng và
luôn cháy
Năm
2020, hàng loạt quan chức và cựu quan chức tiếp tục bị xử lý hình sự vì những
sai phạm nghiêm trọng, như cựu Chủ tich UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến...
Trong
số này, ông Nguyễn Đức Chung và vợ bị xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ
liên quan trong vụ án Nhật Cường. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác
định ông Chung đã móc nối cán bộ điều tra nhằm thu thập, chiếm đoạt tài liệu
mật liên quan vụ án.

Ông Nguyễn Đức
Chung - nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các đồng phạm hầu tòa vì chiếm đoạt
tài liệu điều tra vụ án Nhật Cường
Cũng
trong năm 2020, cơ quan điều tra khởi tố cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy
Hoàng; truy nã cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa để điều tra sai phạm trong vụ mua
bán đất công tại TPHCM, gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng. Theo dự kiến, ông Vũ
Huy Hoàng và 9 đồng phạm sẽ hầu tòa ngày 7/1/2021, tại Hà Nội.
Một
trong những nhân vật khác tốn nhiều giấy mực của báo chí là Đinh Ngọc Hệ, tức
Út “trọc”. Không chỉ khiến bản thân và cựu Đô đốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư
lệnh Quân chủng Hải quân - Nguyễn Văn Hiến vướng vòng lao lý, ngày 22/12 Út
“trọc” tiếp tục bị phạt tù chung thân về hành vi lừa đảo tại dự án cao tốc
TPHCM - Trung Lương. Vụ án này cũng kéo theo loạt cựu quan chức lĩnh án, trong
đó có các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường - nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng
GTVT.
Những
ngày cuối năm 2020, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố, bắt giam ông Tất Thành
Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM trong vụ gây thất thoát hàng
trăm tỷ đồng tại Cty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Ông Cang là người có
chức vụ cao nhất trong 19 người bị xử lý hình sự trong vụ án…
Những
diễn biến trên cho thấy, ngọn lửa phòng chống tham nhũng năm qua chưa từng
nguôi sức nóng, góp phần củng cố niềm tin của đông đảo tầng lớp nhân dân về
quan điểm “không vùng cấm” trong xử lý cán bộ “nhúng chàm”…
06. Lan tỏa ngọn lửa tình nguyện
Năm
2020 ghi dấu ấn bằng tinh thần xung kích, tình nguyện, xả thân, sáng tạo của
người trẻ trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay từ đầu
năm 2020, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã bắt tay vào thực hiện những công việc
cụ thể, thiết thực giúp dân phòng chống dịch bệnh. Màu áo xanh tình nguyện đã
có mặt khắp các ngõ phố, bản làng, đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, phát
tờ rơi, cung cấp nước rửa tay sát khuẩn, hỗ trợ khu cách ly tập trung, ATM gạo
nghĩa tình, chuyến xe yêu thương…

Với
tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 22/4, T.Ư Đoàn tổ chức phát động
chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”, với nhiều nội
dung, phần việc ý nghĩa: “Triệu bữa cơm”, “Một triệu ly sữa”...
Thông
qua các hoạt động, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ tổng cộng hơn 690.000 bữa cơm,
suất ăn với tổng trị giá gần 20 tỷ đồng; hỗ trợ 247.603 ly sữa; ủng hộ tổng
cộng 3.136 tấn gạo với tổng trị giá hơn 36 tỷ đồng. Tổ chức được 829 hoạt động
hỗ trợ cho hơn 57.000 lượt thanh niên, công nhân bị mất việc do ảnh hưởng của
dịch. Tinh thần xung kích tình nguyện của bạn trẻ còn ghi dấu ấn đặc biệt trong
thời điểm miền Trung oằn mình trong bão lũ. Hàng trăm đội nhóm tình nguyện được
thành lập đi vào vùng lũ tiếp sức người dân: từ sơ tán, cứu người trong lũ dữ
đến tiếp tế đồ ăn, nước uống, khắc phục hậu quả thiên tai… Nhiều thanh niên
tình nguyện đã bất chấp hiểm nguy, lao vào tâm lũ, cứu dân. T.Ư Đoàn đã vận
động, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão, lũ, với tổng trị giá hơn 20
tỷ đồng.
07. Năm thiên tại khốc liệt và môi
trường suy thoái
Năm
2020, ô nhiễm không khí - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng
như tại Việt Nam chưa có dấu hiệu cải thiện và sẽ còn tiếp diễn. Thực trạng này
cho thấy, các giải pháp giảm thiểu của cơ quan chức năng chưa có bước tiến,
đồng thời chỉ ra một thực tế Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để có thể cải
thiện chất lượng không khí, giảm nguy cơ, gánh nặng bệnh tật cho người dân.
Năm
2020 cũng đánh dấu bằng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ở ĐBSCL.
Mưa bão liên tiếp trong tháng 10 và 11 khiến miền Trung lập kỷ lục mưa, lũ.
Cùng với đó, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng gây ra những hậu quả vô cùng
thương tâm và chưa từng có trong lịch sử như vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3,
trạm kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế), sạt lở ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quảng
Trị), sạt lở ở Trà Leng (Quảng Nam).

Tổng
cục phòng chống thiên tai nhận định, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai diễn ra
khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước. Việt Nam đã phải hứng
chịu 576 trận thiên tai khiến 291 người chết và 66 người hiện còn đang mất
tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỷ đồng. Cùng với COVID-19, thiên
tai trở thành một trong hai khó khăn, thách thức lớn nhất của nước ta năm
2020.
08. Ca khúc Ghen Cô Vy và vũ điệu Rửa
tay của Việt Nam nổi tiếng thế giới cùng các hoạt động truyền thông phòng chống
đại dịch
Năm
qua, quốc tế đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng chống COVID-19
bao gồm cả công tác tuyên truyền bằng âm nhạc. Có thể nói cũng phải “nhờ”
COVID-19, thế giới mới tỏ tường tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam hoá ra cũng
chẳng kém ai.
Dựa
trên hit có sẵn Ghen của Min và Erik, tác giả Khắc Hưng đã đặt lại lời bài hát
với nội dung phòng chống dịch, nhắc nhở và hướng dẫn cụ thể từ việc rửa tay,
đeo khẩu trang trở đi. Nội dung bài hát cũng thể hiện sự hài hước khi nhân cách
hoá virus SAR-CoV2 như một hot-girl: “Dạo gần đây có một virus rất hot/Tên của
em ấy Corona”…
Lên
sóng tại kênh YouTube của ca sĩ Min cuối tháng Hai, MV Ghen Cô Vy tính đến nay
thu hút gần 69 triệu lượt xem. Nhưng con số này chưa nói nên điều gì vì ca khúc
nhanh chóng được dịch ra các thứ tiếng Anh, Nhật, Pháp, Trung, Hàn…; được các
nghệ sĩ và người hâm mộ khắp nơi trên thế giới thể hiện lại.

Ban nhạc Mỹ The Good Morning Nags đã
cover ca khúc “Ghen Cô Vy” bằng tiếng Anh.
Bên
cạnh đó, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y Tế) cũng đặt hàng các
nghệ sĩ chuyển ngữ Ghen Cô Vy sang tiếng Anh, đồng thời mời vũ công Quang Đăng
sáng tạo ra điệu nhảy minh họa cho thông điệp bài hát. Clip vũ đạo được quay
đơn giản ngay trên đường phố cũng nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn
cầu.
Có cả
một phong trào “thử thách Ghen Cô Vy” với hashtag #ghencovychallenge trên nền
tảng mạng xã hội TikTok của Trung Quốc khuyến khích mọi người thực hiệu “vũ
điệu rửa tay” của Việt Nam. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đăng đoạn
video của Quang Đăng lên trang fanpage chính thức, kèm ghi chú: “Chúng tôi yêu
thích vũ điệu rửa tay từ vũ công Việt Nam, Quang Đăng. Rửa tay bằng xà phòng và
nước là một trong những bước đầu tiên để bảo vệ bạn khỏi virus”. Liên lạc với
Quang Đăng qua e-mail, hãng CBS News càng ngạc nhiên khi biết anh chỉ mất 15
phút để nghĩ ra những động tác gây “bão”. Còn trên kênh HBO, danh hài John
Oliver cũng hào hứng “rửa tay” theo bài hát từ Việt Nam trên chương trình Last
Week Tonight và gọi video tuyên truyền của Việt Nam là “không thể tin được”.
Sau khi mổ xẻ bài hát, đài truyền hình Pháp BFMtv còn “mạnh miệng” tuyên bố:
“Vpop đang cứu Việt Nam khỏi virus Corona”(!). Nhiều chương trình truyền hình
các nước khác cũng đưa tin về “ca khúc chống dịch hấp dẫn nhất”.
09. Lý Sơn- Biển đảo từ giải chạy
của Tiền Phong
Tiền
Phong Marathon Lý Sơn 2020 là một trong những sự kiện thể thao nổi bật trong năm
2020. Với tinh thần “Chạy vì biển đảo quê hương”, giải đã thu hút sự tham dự
của hàng nghìn VĐV chuyên nghiệp và phong trào.
Vượt
qua sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng, đường chạy khắc nghiệt, các VĐV đã
cho thấy ý chí mạnh mẽ, sự bền bỉ và dẻo dai, sức mạnh nội tại không giới hạn
của con người. Đó cũng là tình yêu dành cho biển đảo quê hương. Sự thành công
của giải đấu đã khơi gợi và truyền cảm hứng cho những người trẻ.

Lễ
thượng cờ tại Lý Sơn với hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió tạo nên cảm
xúc tự hào, yêu quê hương Tổ quốc mãnh liệt. Hình ảnh người chiến sĩ trang
nghiêm đứng chào cờ Tổ quốc có sức lay động tới triệu triệu trái tim người Việt
Nam, đồng thời cũng tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những người lính nơi biên
cương biển đảo.
Tại
Lý Sơn, BTC Tiền Phong Marathon đã tới thăm, động viên các trưởng tàu và thuyền
viên ở cảng cá An Hải, trao tận tay mỗi tàu một tủ thuốc y tế và lá cờ Tổ quốc.
Tổng cộng đã có 200 tủ thuốc y tế, 3.000 lá cờ được trao cho các ngư
dân.
10. Những bê bối trong lĩnh vực giáo
dục
Trường
Đại học (ĐH) Đông Đô đã đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam với một vết đen là
trường ĐH cấp số lượng bằng giả bị phát hiện lớn nhất từ trước đến nay với 626
người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó Cơ quan An ninh điều tra đã làm
rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Cơ quan điều tra mới thu giữ
67 văn bằng gốc, nên Viện Kiểm sát yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn
lại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GD&ĐT chỉ đạo tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc cấp
văn bằng, chứng chỉ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm không để xảy ra sai phạm
tương tự.
Năm
học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK từ lớp 1. Tuy
nhiên vào năm học mới chưa được bao lâu, cả giáo viên và phụ huynh cùng đánh
giá chương trình nặng, bài học thiết kế tốc độ quá nhanh… so với lứa tuổi lên
6. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định để lọt quá nhiều “sạn” trong SGK Tiếng Việt 1 ở
cả 5 bộ sách. Nhóm tác giả đã thừa nhận những sai sót và buộc phải điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm về những sai sót này, đồng thời xử lý bằng cách
thay thế Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt.

Điều
đau lòng trong năm qua là liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích trường
học như vụ cây phượng bật gốc khiến 18 học sinh Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM)
bị thương, 1 học sinh lớp 6 tử vong; cánh cổng trường đổ sập ở (Lào Cai) đè
chết 3 học sinh tiểu học; học sinh lớp 9 ở Hải Dương bị điện giật tử vong khi
đang chặt cây, dọn dẹp vệ sinh trong trường…
Ban biên tập (sưu tầm)